Ngày 23/6/2023, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố “Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023”. Trong đó, Vietnam Report chia thành 2 danh sách “Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” và “Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín”.

Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2023

Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2023

Ngành bảo hiểm năm 2022 và những “cơn gió ngược”

Năm 2022, ngành bảo hiểm dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm song tương đối ổn định. Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng của thị trường Bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng khả quan. Theo số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,1% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,0%; trong khi lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (tăng 15,3%) so với năm 2021 – mức cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Nguồn: Vietnam Report

Báo cáo ghi nhận tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả khoảng trên 64.018 tỷ đồng (tăng 23,3% so với năm 2021). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm 2021). 

Sang năm 2023, loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tin tiêu cực tăng đột biến. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng, đây là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải trong năm nay.

Kết quả phân tích cho thấy, các cuộc thảo luận về chủ đề bảo hiểm trong năm 2022, cảm xúc chủ đạo của khách hàng đa số là trung tính (chiếm 61,5%), trong khi tiêu cực là 2,2%. Tuy nhiên, sang năm 2023, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã lên 54,0% (gấp 19 lần). 

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để toàn ngành nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn; là đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững nhằm nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp bảo hiểm, tháng 6/2022 và 6/2023

Bên cạnh đó, sự thắt chặt chi tiêu của người dân, cạnh tranh trong ngành gia tăng, người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm cũng là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt. Theo kết quả khảo sát nhận thức về sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng của Vietnam Report trong tháng 5 – 6/2023, có 55,8% người trả lời chưa thật sự hiểu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà mình đang tham gia. 

Nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn

Dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành bảo hiểm trong năm nay. Theo khảo sát, top 3 cơ hội đóng góp cho tăng trưởng của doanh nghiệp ngành bảo hiểm bao gồm: công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm; Luật Kinh doanh bảo hiểm mới ban hành có hiệu lực từ 01/01/2023; kênh phân phối bảo hiểm đa dạng.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp bảo hiểm, tháng 6/2023

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Kết quả này nhờ đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm, góp phần thực hiện mục tiêu 15% dân số Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025. 

Theo khảo sát, hiện tại, ưu tiên hàng đầu của các công ty bảo hiểm là đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Theo sau lần lượt là: áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ; đa dạng hoá các kênh phân phối; cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng; xây dựng hệ thống vận hành lấy khách hàng làm trung tâm…

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp bảo hiểm, tháng 6/2022 và 6/2023 Tình hình triển khai Insurtech trong các doanh nghiệp bảo hiểm

Trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn do tác động của Covid-19, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) nổi lên như một lĩnh vực tiềm năng. Thị trường Insurtech tại Việt Nam được dự đoán sẽ sớm đạt mức hàng chục tỷ USD và phát triển gần 50% mỗi năm, theo báo cáo của Google và Bain năm 2022. 

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp bảo hiểm, tháng 6 các năm 2020 – 2023

Theo khảo sát của Vietnam Report được thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2023, mức độ triển khai Insurtech trong doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự tăng lên rõ rệt. Năm 2020 – 2021, khi ý tưởng về Insurtech bắt đầu nhen nhóm, đa phần doanh nghiệp chỉ tập trung sử dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm sẵn có đến với khách hàng. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, mức độ áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng lên đáng kể ở cả 4 nghiệp vụ. 

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp bảo hiểm, tháng 6/2023

Mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp tăng cao, dữ liệu lưu trữ lớn đi kèm nỗi lo về rủi ro an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu. Trong khi đó, giao dịch an toàn, bảo mật dữ liệu được người mua bảo hiểm đánh giá là một trong các yếu tố quan trọng khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bảo hiểm. 

Do đó, 87,5% doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng, trong đó 71,4% doanh nghiệp lên kế hoạch tăng trên 6%. Các doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến tập trung tăng cường nguồn nhân lực vào quản trị rủi ro, tạo ra thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng, cũng như tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/ công nghệ vận hành. Các công ty kỳ vọng, việc đẩy mạnh áp dụng Insurtech vừa có thể nâng cao trải nghiệm, vừa đảm bảo tính bảo mật thông tin của khách hàng.

“Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023” là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hoá dữ liệu báo chí), kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm như: bất động sản – xây dựng, ngân hàng, dược, thực phẩm – đồ uống, bán lẻ, du lịch, logistics…

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của GS. Maxwell McCombs và GS. Donald L.Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hộil; được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report cũng sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

(Nguồn: Vietnam Report)